Quy Định Đổi Giấy Phép Lái Xe Đến Hạn

Với số lượng người học lái xe và sở hữu ô tô ngày một tăng, nhu cầu đổi giấy phép lái xe (GPLX) cũng vì thế mà trở thành một mối quan tâm đối với rất nhiều người. Giấy phép lái xe ô tô có thời hạn và hiện tại quy định về thời hạn giấy phép lái xe có hiệu lực sẽ được thực hiện chặt chẽ hơn, do đó mọi người hãy để ý đến thời gian hết hạn trên bằng lái xe của mình và nhanh chóng đổi giấy phép lái xe nếu nó sắp hết hạn. Trong bài viết dưới đây, Trung Tâm Đào Tạo Lái Xe Hà Nội sẽ cập nhật các thông tin mới và đầy đủ nhất về việc đổi giấy phép lái xe ô tô đến hạn.

Bao lâu thì giấy phép lái xe hết hạn?

Theo quy định hiện hành, trước năm 2025, chủ sở hữu giấy phép lái xe (GPLX) ô tô có thời gian 3 tháng kể từ ngày hết hạn để đăng ký đổi giấy phép lái xe mới. Nếu quá hạn từ 3 tháng đến dưới 1 năm, người sở hữu phải thi lại lý thuyết. Trường hợp để GPLX hết hạn trên 1 năm, tài xế bắt buộc thi lại cả lý thuyết lẫn thực hành.

Tuy nhiên, theo Thông tư 35/2024/TT-BGTVT, từ năm 2025, quy định về thời hạn GPLX ô tô sẽ thay đổi nghiêm ngặt hơn. Cụ thể:

  • Nếu GPLX ô tô (hạng B đến hạng DE) hết hạn dù chỉ 1 ngày, tài xế phải thi lại lý thuyết.
  • Nếu GPLX quá hạn từ 1 năm trở lên, chủ sở hữu bắt buộc thi lại cả lý thuyết lẫn thực hành.

Riêng các loại giấy phép lái xe máy, mô tô (hạng A1, A2, B1) sẽ không có thời hạn sử dụng, tức là người sở hữu không cần phải đổi giấy phép lãi xe trong suốt đời.

Lời khuyên cho người dân: Để tránh phải thi lại do GPLX ô tô hết hạn, chủ phương tiện nên chủ động kiểm tra thời gian sử dụng và đổi giấy phép lái xe sớm. Hiện nay, quy trình đổi bằng lái có thể thực hiện hoàn toàn trực tuyến qua mạng Internet, giúp tiết kiệm thời gian và công sức đáng kể.

Lưu ý quan trọng trước khi đổi giấy phép lái xe trực tuyến

Từ ngày 1/1/2025, Luật Trật tự, An toàn Giao thông Đường bộ 2025 chính thức có hiệu lực, quy định về 15 loại giấy phép lái xe mới, trong đó gộp bằng lái ô tô B1 và B2 thành B.

Những điều cần biết khi đổi giấy phép lái xe ô Tô

  • Tài xế có bằng B1, B2 (cũ) có thể đổi sang bằng B hoặc C1 (mới).
  • Sự khác biệt giữa bằng B2 (cũ) và B (mới):
    • Bằng B2 (cũ): Lái ô tô chở người đến 9 chỗ, ô tô tải có trọng tải dưới 3,5 tấn.
    • Bằng B (mới): Lái ô tô chở người đến 9 chỗ, nhưng chỉ được lái xe tải có “khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 3,5 tấn”.

Lưu ý về “khối lượng toàn bộ theo thiết kế”: Đây là tổng khối lượng của xe, người và hàng hóa, khác với “trọng tải” vốn chỉ tính riêng khối lượng hàng hóa. Tài xế lái xe tải có thể cần đổi xe tải nhỏ hơn hoặc chọn bằng C1 thay vì bằng B để duy trì khả năng lái xe tải lớn hơn.

Ghi chú ở mặt sau của giấy phép lái xe B2 cũ.

Ghi chú ở mặt sau của giấy phép lái xe hạng B2 cũ

Ghi chú ở mặt sau của giấy phép lái xe hạng B mới

Ghi chú ở mặt sau của giấy phép lái xe hạng B mới

Có nên đổi giấy phép lái xe từ B1, B2 sang C1?

  • Bằng C1 (mới) cho phép lái:
    • Tất cả xe thuộc hạng B.
    • Xe tải có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 3,5 tấn đến 7,5 tấn.
  • Lời khuyên: Nếu bạn lái xe tải, nên đổi từ B1, B2 (cũ) sang C1 (mới) để tối đa quyền hạn.

Lưu ý quan trọng khi đổi trực tuyến

  • Cổng dịch vụ công Quốc gia hiện vẫn chưa hỗ trợ đầy đủ đổi từ bằng B1, B2 sang C1.
  • Hệ thống chỉ hỗ trợ đổi từ B1, B2 (cũ) sang B (mới).
  • Nếu muốn đổi sang C1, tài xế cần nộp hồ sơ trực tiếp tại Sở Giao thông Vận tải nơi cư trú.

Hãy kiểm tra kỹ loại GPLX phù hợp trước khi thực hiện thủ tục đổi bằng để tránh ảnh hưởng đến công việc lái xe.

Lưu ý: bằng B và C1 có thợi hạn là 10 năm, cũng giống như bằng B1 và B2 trước đây.

Cần chuẩn bị gì để đổi giấy phép lái xe ô tô qua internet

Để thực hiện đổi giấy phép lái xe ô tô qua Cổng Dịch Vụ Công Quốc Gia, người dân cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ và hồ sơ theo quy định.

Bước 1: Đăng ký tài khoản dịch vụ công

  • Người dân cần có tài khoản trên Cổng Dịch Vụ Công Quốc Gia hoặc tài khoản VNeID cấp độ 2.
  • Lưu ý: Tài khoản VNeID cấp độ 2 không thể tự đăng ký trực tuyến. Công dân phải đến công an xã, phường, thị trấn hoặc nơi cấp thẻ CCCD để làm thủ tục xác thực danh tính.

Bước 2: Chuẩn bị ảnh chụp chân dung

  • Một ảnh nền trắng để dán vào giấy khám sức khỏe.
  • Một ảnh nền xanh để nộp khi khai báo hồ sơ đổi giấy phép lái xe.
  • Ảnh chụp cần thẳng mặt, rõ nét, không đeo kính. Người dân có thể sử dụng điện thoại để chụp và điều chỉnh kích thước ảnh bằng các ứng dụng chỉnh sửa ảnh.

Bước 3: Khám sức khỏe đúng quy định

  • Người dân cần thực hiện khám sức khỏe tại bệnh viện hoặc phòng khám đã liên thông dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe điện tử trên Cổng Dịch Vụ Công Quốc Gia.
  • Có thể dễ dàng tìm địa chỉ cơ sở y tế liên thông dữ liệu thông qua Google.
  • Nếu cơ sở y tế chưa liên thông dữ liệu, người dân cần mang giấy khám sức khỏe đến UBND xã, phường để chứng thực điện tử, sau đó lấy file đã chứng thực để nộp hồ sơ cấp đổi giấy phép lái xe.

Bước 4: Ảnh chụp căn cước công dân và GPLX cũ

    • Cung cấp ảnh chụp rõ nét 2 mặt căn cước công dân (CCCD).
    • Ảnh chụp giấy phép lái xe cũ để xác minh thông tin khi làm thủ tục đổi bằng.

Việc chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ trên giúp quá trình đổi giấy phép lái xe ô tô trực tuyến diễn ra thuận lợi, tránh mất thời gian bổ sung hồ sơ.

Các bước tiến hành đổi giấy phép lái xe trực tuyến

Để đổi giấy phép lái xe nhanh chóng mà không cần đến cơ quan quản lý, người dân có thể thực hiện trực tuyến theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập cổng dịch vụ công

Đăng ký tài khoản dịch vụ công

Bấm vào Đổi giấy phép lái xe

Bước 2: Đăng nhập hệ thống

  • Có thể đăng nhập bằng tài khoản định danh điện tử hoặc tài khoản Cổng Dịch Vụ Công.
  • Đối với cá nhân, nên sử dụng tài khoản định danh điện tử cấp bởi Bộ Công an dành cho công dân.
Đăng nhập bằng tài khoản định danh cá nhân

Đăng nhập bằng tài khoản định danh cá nhân

Bước 3: Xác minh danh tính bằng VNeID

  • Nhập số căn cước công dân (CCCD) và mật khẩu để đăng nhập vào ứng dụng VNeID trên điện thoại.
  • Nếu quên mật khẩu, có thể đăng nhập bằng sinh trắc học (vân tay hoặc nhận diện khuôn mặt) nếu đã kích hoạt tính năng này.
Có thể đăng nhập bằng tài khoản và mật khẩu hoặc dùng sinh trắc học

Có thể đăng nhập bằng tài khoản và mật khẩu hoặc dùng sinh trắc học

Bước 4: Quét mã QR để đăng nhập

  • Mở ứng dụng VNeID trên điện thoại.
  • Chọn biểu tượng quét mã QR và quét mã xuất hiện trên trang web dịch vụ công.
  • Nhấn “Xác nhận” trong hộp thoại hiện ra và nhập mã PIN bảo mật trên ứng dụng VNeID.
Trong ứng dụng VNeID chọn quét mã để tiếp tục thực hiện

Trong ứng dụng VNeID chọn quét mã để tiếp tục thực hiện

Bước 5: Nhập thông tin cá nhân

  • Điền đầy đủ thông tin cá nhân vào các khung tương ứng.
  • Ở mục “Cơ quan tiếp nhận”, chọn Sở Giao thông Vận tải nơi đang cư trú.
  • Nếu nhận được thông báo hết phôi GPLX hoặc không thể tiếp nhận hồ sơ vì lý do khác, có thể chọn Sở GTVT của tỉnh thành khác để đăng ký.
Chọn sở GTVT nơi mình đang cư trú

Chọn sở GTVT nơi mình đang cư trú

Bước 6: Tra cứu thông tin GPLX

  • Tại mục “Thông tin người lái xe”, nhập số GPLX vào ô trống và nhấn “Tra cứu”.
  • Hệ thống sẽ tự động điền thông tin cá nhân vào các trường tương ứng.

Bước 7: Cập chật thông tin

  • Trong mục “Thông tin yêu cầu thay đổi”, có thể:
    • Cập nhật số căn cước công dân (CCCD) nếu GPLX cũ vẫn dùng số CMND.
    • Cập nhật địa chỉ cư trú nếu có thay đổi.
  • Nếu không cần cập nhật, có thể bỏ qua bước này.
Có thể tra cứu thông tin và thay đổi thông tin bằng lái xe

Có thể tra cứu thông tin và thay đổi thông tin bằng lái xe

Bước 8: Xác minh thông tin sức khỏe

  • Ở mục “Thông tin sức khỏe người lái xe”, nhập mã giấy khám sức khỏe điện tử và nhấn “Tra cứu”.
  • Hệ thống sẽ tự động cập nhật thông tin mà không cần đính kèm bản scan.
  • Nếu không có giấy khám sức khỏe điện tử, cần scan bản giấy khám sức khỏe đã được chứng thực điện tử tại UBND xã/phường và nộp lên Cổng DVCQG.

Bước 9: Đính kèm hồ sơ & xác nhận thông tin

  • Tải lên các ảnh giấy tờ gồm:
    • Ảnh chân dung nền xanh (kích thước 3×4).
    • Ảnh chụp 2 mặt GPLX.
    • Ảnh chụp 2 mặt CCCD.
  • Đánh dấu cam kết thông tin khai báo chính xác, sau đó nhấn “Tiếp tục”.
  • Sau khi tải lên ảnh chân dung, chờ hệ thống hiển thị thông báo “Thành công”.
  • Nếu ảnh không đạt tiêu chuẩn, hệ thống sẽ hiển thị cảnh báo và yêu cầu tải lại ảnh phù hợp.

Sau khi hoàn tất các bước trên, hồ sơ của bạn sẽ được xử lý và cấp đổi giấy phép lái xe theo quy định.

Bước 10: Đăng ký nhận GPLX tại nhà

  • Chọn “Nhận kết quả tại nhà” và nhập đầy đủ thông tin người nhận để bưu điện gửi GPLX mới đến địa chỉ đã đăng ký.
  • Nhấn “Nộp hồ sơ” để hoàn tất quy trình đăng ký.
Chọn nhận bằng lái xe tại nhà để hoàn thành việc đổi GPLX

Chọn nhận bằng lái xe tại nhà để hoàn thành việc đổi GPLX

Bước 11: Kiểm tra tình trạng hồ sơ

  • Nếu hồ sơ hợp lệ, hệ thống sẽ hiển thị thông báo “Nộp hồ sơ thành công”.
  • Nhấn vào “Xem hồ sơ của tôi” trên giao diện website để kiểm tra tình trạng xử lý.

Bước 12: Thanh toán lệ phí đổi giấy phép lái xe

  • Người dùng sẽ nhận được email & tin nhắn SMS yêu cầu thanh toán lệ phí đổi GPLX.
  • Thời gian thanh toán: Trong vòng 3 ngày kể từ khi nộp hồ sơ.

Bước 13: Nhận GPLX mới

  • Hồ sơ sẽ được xử lý và cập nhật trạng thái qua email đã đăng ký.
  • Thông thường, sau khoảng 7 – 10 ngày làm việc, GPLX mới sẽ được gửi tận nhà qua dịch vụ bưu điện.

Lưu ý

Việc đổi giấy phép lái xe trực tuyến giúp tiết kiệm thời gian và tránh trường hợp bằng lái quá hạn phải thi lại. Người dân nên thực hiện sớm để đảm bảo quyền lợi khi tham gia giao thông.